KIM VĂN LINH – HỌC VIÊN DỰ ÁN NGHỀ KHÓA II CỦA HANOI – IEC XUẤT HIỆN TRÊN TỜ BÁO CỦA ĐỨC

Vào đầu năm nay, tờ báo địa phương Suhl của Đức đã đưa tin về Kim Văn Linh – học viên dự án nghề khóa II của GCA – Hanoi IEC. Đây chính là một niềm tự hào rất lớn của các bạn du học sinh nghề, cũng như của Hanoi IEC, đánh dấu sự thành công của dự án.

Xin chúc mừng Linh và gia đình nhỏ của bạn, chúc cho bạn sẽ có thêm nhiều thành công tại nước Đức!

(dịch)

Thay vì Hà Nội, chàng trai trẻ Việt Nam lựa chọn Suhl (bang Thüringen, CHLB Đức) làm nơi lập nghiệp

Kim Văn Linh là một trong những bạn trẻ Việt Nam đầu tiên tham gia dự án học nghề tại Đức theo chương trình “Thu hút nguồn nhân lực tới bang Thüringen. Năm 2018, Linh bắt đầu học nghề tại công ty Bauwi, quận Wichtshausen (thuộc thành phố Suhl, bang Thüringen, CHLB Đức).

Hiện nay, Linh đang làm việc trong lĩnh vực xây dựng – bê tông cốt thép và đã có bằng lái xe tại Đức. Trong thời gian tới, anh có định hướng sẽ trở thành Lái xe cần cẩu và đón em bé đầu lòng vào tháng 3 tới.

Năm 2018, Văn Linh vẫn sinh sống tại Hà Nội – một siêu đô thị nhộn nhịp với 8 triệu dân, nhưng hiện nay chàng trai 25 tuổi này lại lựa chọn Suhl – thành phố nhỏ nhất của bang Thüringen (Đức) là nơi làm việc và sinh sống. Từ năm 2016, một giáo viên đã thực hiện dự án thí điểm do Phòng Thương mại và Công nghiệp Nam Thüringen phối hợp cùng Phòng Thủ công nghiệp Nam Thüringen với mong muốn tuyển chọn những ứng viên trẻ tiềm năng đến từ Việt Nam tham gia chương trình đào tạo nghề kép.

Văn Linh kể lại: “Khi nghe thông tin về chương trình, mình đã không hề lăn tăn hay do dự mà vô cùng hào hứng vì biết mình sẽ được đào tạo nghề, được làm việc và sinh sống tại nước Đức.” Đồng thời, anh ấy cũng hiểu rõ về công việc của mình và sẵn sàng làm việc tại công trường của Đức – quốc gia cách quê hương Việt Nam của anh đến 13 giờ bay. Có lẽ, một trong những lý do khiến Văn Linh quyết định lựa chọn nghề Xây dựng là bởi từ khi 15 tuổi, anh ấy đã phụ giúp bố của mình trong công việc Kiến trúc sư. Sau khi Tốt nghiệp THPT, cậu thanh niên 18 tuổi đã tiếp tục theo học chương trình Cao đẳng nghề Xây dựng kéo dài 3 năm rưỡi. Tuy nhiên, việc trở thành công nhân xây dựng bê tông cốt thép tại Đức đến với anh ấy một cách rất tình cờ. “Thực ra, tôi thậm chí còn không biết điều gì sẽ đến với mình.” Và điều này không chỉ đúng, mà còn rất quan trọng.

Lý do đã được ông Alexander Nenninger – Giám đốc công ty Bauwi giải thích: “Chương trình đào tạo ở Việt Nam rất khác so với ở Đức. Học viên ở Việt Nam được cung cấp và đào tạo chủ yếu kiến thức lý thuyết, trong khi chúng tôi chú trọng vào thực hành nhiều hơn.”

Bên cạnh việc học tập ở các trường dạy nghề và doanh nghiệp đào tạo, cần có những trung tâm đào tạo nghề liên doanh cung cấp các học phần thực hành cho học viên. Đối với ông Alexander, học đi đôi với hành đóng một vai trò quan trọng trong quá trình học nghề.

Trước khi tự mình khám phá ra sự khác biệt này, Văn Linh cùng những bạn học viên khác đã phải “chiến đấu” với tiếng Đức trong vòng 11 tháng. Khối lượng từ vựng lớn, ngữ pháp phức tạp và phát âm khác biệt khiến anh ấy phải thốt lên rằng: “Giai đoạn đó thật sự rất khó khăn.” Bên cạnh đó, anh Linh còn chưa biết rằng mình sẽ phải giao tiếp với những đồng nghiệp người Đức nói phương ngữ địa phương Thüringen.

“Có lẽ, ngôn ngữ là trở ngại lớn nhất đối với học viên học nghề. Những công nhân người Việt Nam của chúng tôi đều là những người thợ lành nghề, có quyết tâm và kỹ năng chuyên môn tốt, dù lúc đầu việc nắm bắt những nhiệm vụ phức tạp có đôi chút khó khăn.” – Ông Alexander cho biết. Tháng 8 năm 2018, Kim Văn Linh cùng 4 bạn trẻ khác đã bắt đầu chương trình đào tạo nghề tại công ty Bauwi và hiện tại đã tốt nghiệp thành công. Giờ đây, tất cả họ đã trở thành những công nhân trẻ lành nghề trong công ty. Sau đó, ngày càng nhiều các bạn trẻ Việt Nam đã tham gia chương trình đào tạo ở công ty Bauwi để trở thành công nhân lĩnh vực bê tông cốt thép, thợ xây dựng và thợ nề. Chúng tôi luôn hướng học viên của mình tới mục tiêu định cư lâu dài và tiếp tục phát triển sự nghiệp tại nước Đức.

Khi nghe về dự án tuyển dụng công nhân lành nghề, ông Nenningers bày tỏ sự quan tâm của mình và hứa hẹn sẽ thử tìm hiểu dự án. Bởi trong thời CHDC Đức, những công nhân Việt Nam đã để lại ấn tượng tốt đẹp khi làm việc tại thành phố Suhl, do vậy không khó để thuyết phục ông và công ty tham gia vào dự án.

Trong một chuyến công tác đến Việt Nam do Phòng Công nghiệp và Thương mại của Đức tổ chức, ông đã có được hình dung cụ thể và làm quen với 31 bạn học viên trẻ tuổi. Không lâu sau đó, 5 bạn học viên phù hợp nhất đã được công ty tuyển dụng. “Chúng tôi muốn tiếp tục phát triển dự án và tuyển dụng thêm được nhiều ứng viên tiềm năng hơn nữa.” Ông Nenninger tin rằng đội ngũ công nhân đi trước có thể hỗ trợ và giúp đỡ những thế hệ tiếp theo. Ngoài ra, ông ấy luôn muốn tạo điều kiện để nhân viên của mình được học thêm để nâng cao trình độ và phát huy tối đa khả năng. Sau một khoảng thời gian phù hợp, ông muốn để các bạn điều hành công trường xây dựng hoặc thành lập nhóm riêng.

Ban đầu, Văn Linh sống cùng những người đồng hương của mình tại một căn nhà của công ty. Nhưng hiện nay anh đã chuyển ra ở riêng và cho một đồng nghiệp thuê lại căn hộ. “Giờ đây, mình cảm thấy như mình đã có cuộc sống riêng và ổn định giống như ở Hà Nội.”- Hiện tại anh ấy đang sống cùng bạn gái Vũ Khánh Huyền, một điều dưỡng viên tại Bệnh viện SRH, trong một căn hộ tại Suhl. Mặc dù đôi khi rất nhớ gia đình và bạn bè của mình ở Việt Nam và vẫn chưa thể trở về thăm họ, song anh ấy vẫn rất trân trọng cuộc sống ở Đức. “Mình rất thích cuối tuần và kỳ nghỉ ở Đức, vì nếu làm việc ở Việt Nam thì sẽ không có những đặc quyền này.”

Anh ấy đã phải làm quen với ngày làm việc liên tục mà không có những giờ nghỉ trưa dài như ở Việt Nam. Ngoài ra, anh ấy cũng phải thích nghi với thói quen ăn uống ở Đức và nhanh chóng tìm được niềm yêu thích với xúc xích truyền thống của Đức. “Mình cũng đã ăn thử món khoai tây truyền thống của bang Thüringen. Tuy nhiên mình không thích những bữa ăn nguội lắm vì người Việt Nam sẽ luôn ăn 3 bữa với đồ ăn nóng.” Và cũng không bất ngờ khi anh ấy không thích thú với thời tiết lạnh. “Thời tiết ở Việt Nam rất ấm áp, 7 độ là học sinh tiểu học đã được nghỉ ở nhà rồi.” Anh ấy cũng chia sẻ rằng ở Hà nội không bao giờ có tuyết rơi. “Khi lần đầu thấy tuyết, mình đã rất hào hứng.”

[…]

Tác giả: SUHL/ Dörthe Lemme

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *