(dịch)
Bài báo của Jolf Schneider
Một lần đi vòng quanh thế giới để tìm hạnh phúc
Ba năm trước, 32 thanh niên Việt Nam đã đến miền Nam của Bang Thüringen (CHLB Đức) để học nghề. Họ là những học viên khoá thứ hai của Dự án mang tên “Dự án- Việt Nam” (Dự án thu hút nguồn nhân lực lành nghề cho bang Thüringen thông qua đào tạo nghề cho thanh niên Việt Nam). Vừa qua, 16 học viên đã được nhận bằng tốt nghiệp.
Suhl – Dù đã trải qua 4 năm học nghề, chàng trai Phạm Anh Tuấn vẫn rụt rè và nhút nhát. Sáng thứ 5 vừa qua sau khi được trao bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề Tuấn Anh phát biểu khiêm tốn “Em cũng có một chút tự hào về mình.” Tuấn luôn luôn cố gắng hoàn thành công việc của mình thật tốt, không phải lúc nào cậu cũng hài lòng với kết quả đạt được, tuy nhiên, cậu đã lấy đó làm động lực để làm tốt hơn nữa.
Bắt đầu từ thứ năm, Phạm Anh Tuấn chính thức là một người thợ lành nghề thuộc ngành Sản xuất nội thất được công nhận trên toàn nước Đức. Sau khi trao bằng đến tận tay học viên, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Nam Thüringen Tiến sĩ Ralf Pieterwas nói rằng “Tấm bằng này có thể giúp bạn mở cánh cửa ra thế giới.”. Tiến sĩ nói thêm “Hãy cùng tiếp tục làm việc với doanh nghiệp của chúng tôi, cùng cố gắng tạo dựng nên một cuộc sống hạnh phúc ở chính miền Nam Thüringen này.”
Trong 16 học viên tốt nghiệp vừa nhận bằng, có 11 bạn muốn tiếp tục sinh sống và làm việc tại miền Nam Thüringen nên đã quyết định ký kết hợp đồng với chính những doanh nghiệp đã đào tạo mình.
Phạm Anh Tuấn cùng hai người bạn đồng hương của mình cũng là những học viên lựa chọn ở lại. Cả ba người họ đã cùng nhau bắt đầu khóa đào tạo nghề tại công ty Dietsch Polstermöbel ở Springstille vào ba năm trước. Trợ lý ban giám đốc, bà Kathleen Dietsch thực sự cảm thấy vui với với điều đó, bởi sau nhiều năm mới có một học viên là Tuấn theo học nghề bọc ghế sofa (thuộc ngành Sản xuất nội thất). Bà cho biết Tuấn luôn luôn nỗ lực để đạt được điểm số tốt: “Thậm chí cậu ấy còn không hài lòng khi đạt được điểm 2 hay điểm 3”. Bà chia sẻ thêm, đây chính là động lực mà bà muốn nhìn thấy nhiều hơn ở những người thợ học nghề khác.
Vạn sự khởi đầu nan
Phạm Anh Tuấn cho biết rằng con đường đến với nghề cũng gặp những khó khăn và không phải dễ dàng. Cậu sang Đức ngay sau khi hoàn thành chương trình THPT tại Việt Nam, thêm vào đó, cậu còn nhiều bỡ ngỡ khi tiếp xúc với nghề bọc đồ nội thất. Năm học đầu tiên tại Đức đối với Tuấn quả thực là một năm nhiều thử thách. Tuấn chia sẻ: “ Mọi thứ khi lên năm hai đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Càng học nghề lâu, tôi lại càng học được cách yêu công việc này ” . Ngoài ra, Tuấn bày tỏ rằng những người đồng nghiệp cũng đã giúp đỡ cậu rất tận tình và bây giờ Tuấn đã có một công việc chính thức ở Schmalkalden.
Đối với công ty Dietsch Polstermöbel, nhờ có dự án hợp tác giữa IHK và Phòng Thủ công Nam Thüringen tại Việt Nam, cách đây 3 năm, lần đầu tiên công ty đã tuyển học viên đến từ Việt Nam. Tiến sĩ Pieterwas nhớ lại, năm 2016, đại diện 2 Phòng công nghiệp đã khởi hành “Chuyền đi khám phá´´ tới Việt Nam, và dự án được ra đời trên chuyến bay trở về Đức. Cũng vào mùa hè năm đó, các bạn trẻ Việt Nam đầu tiên bắt đầu theo học khoá học tiếng Đức, bởi khả năng ngôn ngữ là một trong những điều kiện tiên quyết của dự án này. Tại Việt Nam, các bạn học viên tương lai phải hoàn thành trình độ tiếng Đức B2 – cấp độ ngôn ngữ ở mức nâng cao. Tiến sĩ Pieterwas cho biết “Bởi vì chương trình đào tạo và các kỳ thi được thực hiện hoàn toàn bằng tiếng Đức. Vì vậy, ngôn ngữ là một trong những chìa khoá dẫn tới thành công”
Hiện tại đã là khoá thứ 2 của dự án đào tạo nghề cho thanh niên Việt Nam đươc nhận bằng tốt nghiệp. Phan Tuấn Anh cùng các bạn học viên khác đã trải qua cuộc hành trình kéo dài 4 năm tại Đức, bắt đầu từ thành phố có diện tích lớn thứ hai Việt Nam là Hà Nội đến với Schmalkalden- thành phố được coi là trung tâm của dự án và cũng là nơi có nhiều ý nghĩa liên quan đến truyền thống về sản xuất và chế biến thịt ở Nam Thüringen. Không phải ngẫu nhiên mà từ trước đến nay thành phố này vẫn có tiếng tăm lẫy lừng với truyền thống về thịt. Công ty trách nhiệm hữu hạn sản phẩm từ thịt và xúc xích Schmalkalden GmbH được ví như doanh nghiệp tiên phong ở miền Nam Thüringen trong việc thu hút những học viên đến từ Việt Nam.
Hầu hết các học viên đều ở lại
Ông Kevin Holland-Moritz cho biết từ trước khi dự án chính thức được bắt đầu, những học viên từ Châu Á đầu tiên đã bắt đầu chương trình đào tạo nghề ở đây. Ông nói “Tất cả những bạn học viên chúng tôi tuyển dụng sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề đều tiếp tục cống hiến cho doanh nghiệp cho đến tận bây giờ.” Ông Kevin Holland-Moritz nhấn mạnh rằng những học viên đã tốt nghiệp trong dự án tổ chức lần thứ nhất đã lập gia đình, và điều này góp phần rất quan trọng trong việc xây dựng quá trình hội nhập sau này tại doanh nghiệp và khu vực cho các học viên đến từ Việt Nam.
Từ năm 2017, miền Nam Thüringen đã tiếp nhận 134 học viên đến từ Việt Nam và mùa thu năm nay sẽ tiếp tục tiếp đón 24 bạn từ dự án mùa thứ 5. Ngay lập tức, phòng Thủ công nghiệp HWK sẽ chịu trách nhiệm điều phối và thực hiện dự án hợp tác này. Từ lâu, dự án đã nhận được sự ủng hộ lớn từ chính quyền tiểu bang và cũng luôn là một điểm sáng trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đức. Vào năm 2019, Ngài Bodo Ramelow – Thủ hiến bang đã có chuyến công tác tại Việt Nam và tất nhiên khi đó mục tiêu là thảo luận về dự án đào tạo nghề cho thanh niên Việt Nam tại Nam Thüringen. Trong năm nay, kế hoạch hợp tác về các ngành nghề xã hội, như điều dưỡng bệnh viện và điều dưỡng cho người cao tuổi sẽ được áp dụng khắp toàn bộ bang Thüringen.
Trong số 32 thanh niên của khoá 2 tới Thuringen vào năm 2018, 16 học viên đã được nhận bằng tốt nghiệp, 8 học viên khác đang hoàn thành khóa đào tạo kéo dài 3 năm rưỡi, vì vậy các bạn sẽ tham gia kỳ thi vào mùa đông. 11 trong số những bạn học viên vừa tốt nghiệp hiện tại đã quyết định sẽ tiếp tục ở lại miền Nam Thüringen. Tiến sĩ Pieterwas chia sẻ “Đó là mục tiêu mà chúng tôi đã luôn hướng đến.” Bởi Đức nói chung hay miền Nam Thüringen nói riêng đang thiếu một lượng lớn lực lượng lao động lành nghề.
Chính vì lý do này mà khi đó Phòng Công nghiệp và Thương mại IHK và Phòng Thủ công nghiệp HWK đã quyết định lựa chọn Việt Nam cho dự án này- một quốc gia với 90 triệu dân, có gần 40% dân số dưới 25 tuổi. Đương nhiên, IHK và HWK cũng nhận thức rõ ràng rằng việc tuyển dụng những người trẻ từ một đất nước xa xôi như vậy luôn tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Tiến sĩ Pieterwas chia sẻ, đó cũng là lý do tại sao hỗ trợ giáo dục xã hội là một phần không thể thiếu của chương trình đào tạo nghề. Tiến sĩ cũng cho biết thêm, đại dịch Covid-19 cũng đã gây ra nhiều khó khăn cho cuộc sống của các bạn học viên Việt Nam tại Đức trong vài tháng qua, cụ thể Tiến sĩ nói rằng “Họ đã đến đây để xây dựng các mối quan hệ xã hội và ổn định cuộc sống, tuy nhiên đó lại chính xác là những điều khó thực hiện được trong những tháng vừa rồi” và Tiến sĩ cũng đặc biệt muốn thể hiện sự tôn trọng của mình đối với những nỗ lực và thành tích mà các bạn học viên vừa nhận bằng chứng nhận đã đạt được trong thời gian vừa qua.
Bạn Nguyễn Khánh Duy – học viên xuất sắc nhất toàn khóa tốt nghiệp khóa đào tạo nghề Cơ khí chế biến nhựa và công nghệ cao su tại Plasttechnik Hohleborn ở Floh-Seligenthal. Tiến sĩ bày tỏ rằng việc các học viên hoàn thành bài thi của mình không chỉ là thành công riêng của mỗi bạn và còn là thành công chung đối với những doanh nghiệp đào tạo. Rất nhiều nhà tuyển dụng hay doanh nghiệp vô cùng quan tâm tới những người thợ lành nghề mới.
Ngài giám đốc điều hành cho rằng, việc 6 trong số 32 học viên không tham gia kỳ thi đầu tiên và hai người trong lần thi thử đã trượt đều hoàn toàn không phải vấn đề, bởi tỷ lệ trượt ở các học viên người Đức thậm chí còn là từ 15 đến 25%. Và đáng tiếc là có những bạn học viên vẫn có cảm giác nhớ nhà sau một thời gian dài học tập ở Thueringen. Nhưng điều đáng mừng hơn cả chính là cũng có rất nhiều học viên thực sự muốn xây dựng một cuộc sống mới của họ tại miền nam Thüringen, và họ còn có thể tìm thấy được niềm hạnh phúc của mình tại nơi đây.