Sắp tới bạn chuẩn bị qua Đức để du học? Bạn đang chuẩn bị hành lý nhưng không biết nên mang những gì, món nào cần thiết và đúng quy định? Đừng lo lắng! Trong bài viết dưới đây, GCA – Hanoi IEC sẽ bật mí với bạn cách chuẩn bị hành lý du học Đức và các bước cần thiết khi bay đến Đức chi tiết nhất.
Chuẩn bị hành lý du học Đức cần mang những gì?
Giấy tờ quan trọng
Giấy tờ luôn là thứ không thể thiếu và cần được ưu tiên hàng đầu khi chuẩn bị hành lý du học. Dù bạn có mang đầy vali quần áo, đồ dùng cá nhân, nhưng nếu thiếu giấy tờ thì bạn sẽ không thể lên máy bay, cũng không thể nhập cảnh hay hoàn thành thủ tục ở Đức. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng hộ chiếu có visa còn hạn, CCCD bản gốc và giấy khai sinh luôn nằm trong hành lý xách tay của bạn, tuyệt đối không để trong hành lý ký gửi.
Bên cạnh đó, toàn bộ giấy tờ đã nộp khi xin visa cũng đều cần được mang theo bản gốc kèm bản dịch công chứng. Danh sách cần chuẩn bị bao gồm:
- Hộ chiếu có visa du học Đức
- Căn cước công dân bản gốc
- Giấy khai sinh (bản gốc + bản dịch công chứng)
- Thư mời học nghề hoặc giấy báo nhập học
- Hợp đồng đào tạo (Ausbildungsvertrag)
- Chứng chỉ tiếng Đức (A2/B1/B2)
- Bằng tốt nghiệp, bảng điểm (bản gốc + bản dịch công chứng)
- Giấy khám sức khỏe (nếu có)
Ảnh thẻ hộ chiếu (8–10 ảnh nền trắng)
Những giấy tờ này nên được sắp xếp gọn trong một túi hồ sơ riêng, tiện tra cứu và trình khi cần. Đồng thời, hãy scan toàn bộ giấy tờ và lưu lại trong USB, Google Drive hoặc gửi vào email cá nhân để đề phòng mất mát hoặc cần gửi bản mềm gấp.
Tiền mặt và tài khoản ngân hàng
Việc chuẩn bị tài chính cho những ngày đầu ở Đức cũng rất quan trọng. Dù bạn đã có tài khoản phong tỏa tại ngân hàng Đức, bạn vẫn nên mang theo một lượng tiền mặt vừa đủ, đặc biệt là tiền mệnh giá nhỏ như 5€, 10€, 20€ để dễ dàng chi trả các khoản chi phí ban đầu như vé tàu, ăn uống, sinh hoạt,… Tuy nhiên, không nên mang quá 10.000 Euro tiền mặt, vì nếu vượt mức này, bạn sẽ phải khai báo tại hải quan – điều này có thể gây phiền phức không cần thiết khi vừa đặt chân tới nơi.
Ngoài ra, khi chuẩn bị hành lý du học, bạn cũng có thể mang theo một ít tiền Việt để làm kỷ niệm hoặc mua sắm tại sân bay trước khi qua nước Đức.
Đồ dùng cá nhân và vệ sinh
Dù Đức là một quốc gia phát triển với hệ thống siêu thị tiện lợi, nhưng trong những ngày đầu bạn chưa quen đường xá, chưa biết mua gì ở đâu thì việc có sẵn các món đồ cá nhân quen thuộc sẽ giúp bạn cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều. Hãy mang theo một số đồ dùng cơ bản như: bàn chải, dép đi trong nhà, kem đánh răng, khăn mặt, khăn tắm, máy cạo râu, lược, dầu gió, thuốc nhỏ mắt.
Đối với mỹ phẩm bạn nên ưu tiên chọn các loại có dung tích nhỏ để tiết kiệm và phù hợp với quy định của máy bay. Không nên mang quá nhiều, chỉ mang đủ dụng trong thời gian đầu để thích ứng và làm quen với môi trường sống.
Quần áo và phụ kiện
Khi chuẩn bị hành lý du học, đối với quần áo, đừng cố nhét thật nhiều đồ vào vali mà hãy dựa vào mùa bạn bay sang để sắp xếp hợp lý. Nếu bạn đến Đức vào mùa đông, từ tháng 11 đến tháng 4, hãy chuẩn bị một vài bộ đồ giữ nhiệt, áo khoác dày, tất cao cổ và giày chống trơn. Đặc biệt, nên chọn giày đế dày, kín cổ để giữ ấm và đi lại thuận tiện trong những ngày tuyết rơi.
Ngược lại, nếu bạn bay vào mùa hè thì không cần mang quá nhiều, vì thời tiết khá dễ chịu và bạn hoàn toàn có thể mua thêm quần áo ở Đức với mức giá hợp lý tại các siêu thị như Lidl, hoặc chuỗi cửa hàng như H&M, Zara – đặc biệt là khi có đợt giảm giá. Đối với những người nhỏ nhắn, hãy mang thêm một chút đồ vì size quần áo bên Đức thường khá lớn. Ngoài ra, một bộ áo dài sẽ rất đáng giá nếu bạn muốn tham gia các hoạt động văn hóa hoặc gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Đức.
Đồ ăn và gia vị
Trong những tuần đầu tiên, khi chưa quen khẩu vị phương Tây, bạn sẽ thấy những món ăn quen thuộc như mì tôm, ruốc, cháo ăn liền hay nước mắm trở thành “cứu cánh” thực sự. Tuy nhiên, đừng mang quá nhiều vì ở các thành phố lớn tại Đức đều có chợ châu Á để bạn có thể tìm thấy đầy đủ nguyên liệu để nấu đồ ăn Việt. Những thứ nên mang khi chuẩn bị hành lý du học là thực phẩm khô, gọn nhẹ, không mùi mạnh như ruốc, bún khô, bột nêm, ớt khô.
Tuyệt đối không nên mang theo thực phẩm tươi sống, thịt cá, hay đồ có nguồn gốc động vật – vì những món này có thể bị hải quan tịch thu hoặc xử phạt. Bạn cũng cần lưu ý giới hạn trọng lượng hành lý để không phải trả thêm phí chỉ vì mang quá nhiều đồ ăn từ Việt Nam.
Thuốc và vật dụng y tế
Hệ thống y tế ở Đức rất hiện đại nhưng việc mua thuốc lại không đơn giản như ở Việt Nam. Nhiều loại thuốc phải có đơn của bác sĩ mới được bán. Vì vậy, hãy mang theo thuốc cảm, sốt, đau đầu, tiêu hóa, dị ứng, men vi sinh và một số thuốc cơ bản bạn hay dùng. Nếu bạn đang điều trị bệnh nào đó, hãy mang theo đơn thuốc bằng tiếng Anh hoặc tiếng Đức để phòng trường hợp bị kiểm tra tại sân bay.
Một số vật dụng y tế như băng cá nhân, cao dán, nhiệt kế điện tử cũng nên có trong túi thuốc cá nhân. Tuy nhiên, bạn chỉ được mang thuốc đủ dùng trong khoảng 3 tháng, và tránh mang những loại thuốc có hoạt chất gây nghiện hoặc cấm theo quy định của châu Âu.
Thiết bị điện tử và phụ kiện
Thiết bị điện tử và phụ kiện là những vật dụng thiết yếu mà bạn không thể bỏ qua khi chuẩn bị hành lý. Hãy đảm bảo bạn mang theo điện thoại đã mở khóa để có thể lắp SIM tại Đức, cùng với sạc dự phòng và tai nghe để tiện sử dụng trong những ngày di chuyển. Laptop là vật dụng học tập không thể thiếu – nên chọn máy bền, nhẹ, pin tốt và cài sẵn bộ gõ tiếng Đức để tiện tra cứu.
Các bước cần thiết khi du học sinh bay đến Đức
Trước ngày bay
Trước khi bay là lúc bạn cần tổng kiểm tra lại mọi thứ một cách cẩn thận. Đầu tiên, hãy rà soát lại toàn bộ giấy tờ quan trọng như hộ chiếu, visa, thư mời học nghề, bảo hiểm, vé máy bay và các loại bằng cấp – để chắc chắn không bỏ sót thứ gì. Tốt nhất, bạn nên sắp xếp thành từng bộ hồ sơ nhỏ và để trong balo xách tay, kèm theo bản sao lưu trong USB hoặc điện thoại.
Ngoài ra, bạn cần kiểm tra quy định của hãng hàng không về hành lý ký gửi và xách tay, tránh mang theo vật dụng bị cấm hoặc vượt quá giới hạn trọng lượng. Chuẩn bị một bộ quần áo đơn giản, thoải mái để mặc khi bay, vì chuyến bay sang Đức thường kéo dài từ 12–16 tiếng và bạn sẽ cần cảm thấy dễ chịu trong suốt hành trình. Đừng quên ngủ đủ giấc, ăn uống nhẹ nhàng và giữ tinh thần thoải mái để có năng lượng và tâm thế tốt khi đến nơi.
Tại sân bay Việt Nam
Khi đến sân bay, bạn nên có mặt sớm ít nhất 3 tiếng trước giờ bay để làm thủ tục check-in, gửi hành lý và hoàn thành kiểm tra an ninh. Lúc làm thủ tục, bạn sẽ cần xuất trình hộ chiếu, visa và vé máy bay. Một số hãng hàng không yêu cầu xem cả thư mời học hoặc giấy tờ tài chính, nên bạn hãy để sẵn ở ngăn ngoài balo để tiện lấy ra khi cần.
Khi qua cổng kiểm tra an ninh, hãy lưu ý không để các vật sắc nhọn, chất lỏng vượt quá 100ml trong hành lý xách tay. Nếu bạn có mang theo đồ ăn nhẹ hoặc thuốc, nên để riêng và trình bày rõ khi được yêu cầu kiểm tra.
Trong chuyến bay
Trên máy bay, điều quan trọng nhất là giữ sức khỏe và tinh thần ổn định. Máy bay thường khá lạnh, nên hãy giữ ấm bằng áo khoác mỏng hoặc chăn mỏng do hãng phát. Nếu cần hỗ trợ, hãy trao đổi với tiếp viên để được giúp đỡ nhanh chóng.
Khi hạ cánh tại Đức
Ngay khi đặt chân xuống sân bay Đức, bạn sẽ phải đi qua khu vực kiểm tra hộ chiếu và hải quan. Đây là bước quan trọng nên bạn cần bình tĩnh, trả lời rõ ràng và đúng sự thật nếu được hỏi về mục đích nhập cảnh, nơi ở hay thời gian lưu trú. Hãy trình ra hộ chiếu, visa và thư mời học nếu cần thiết.
Sau khi qua cửa hải quan, bạn lấy hành lý ký gửi và kiểm tra xem có thiếu hay thất lạc món nào không. Nếu hành lý bị thất lạc, hãy đến quầy Lost & Found tại sân bay để khai báo ngay lập tức. Tiếp đó, bạn có thể kích hoạt SIM điện thoại để liên lạc với người đón hoặc tra đường đi về nơi ở.
Những đồ vật không được mang lên máy bay đến Đức
Khi chuẩn bị hành lý du học, nhiều bạn có xu hướng mang theo càng nhiều càng tốt – đặc biệt là đồ ăn, thuốc men hay đồ điện tử từ Việt Nam. Tuy nhiên, với một quốc gia có quy định nhập cảnh nghiêm ngặt như Đức, bạn cần nắm rõ những loại đồ vật bị cấm hoặc hạn chế mang theo để tránh bị phạt, tịch thu hành lý, thậm chí là gặp rắc rối ở cửa hải quan. Dưới đây là những nhóm đồ bạn tuyệt đối không nên bỏ vào vali nếu muốn có một hành trình suôn sẻ.
Đồ sắc nhọn, dễ gây sát thương
Những vật dụng tưởng như vô hại trong cuộc sống thường ngày như dao cạo, kéo, bấm móng tay, dao rọc giấy… đều nằm trong danh sách cấm mang trong hành lý xách tay. Nếu thực sự cần mang, bạn phải cho vào hành lý ký gửi và bọc kỹ để tránh nguy hiểm khi kiểm tra.
Ngoài ra, các vật phẩm như bật lửa gas, que diêm, đồ chơi mang hình dạng vũ khí, hay bất cứ thiết bị nào có thể bị xem là “có khả năng đe dọa an toàn bay” đều không được phép mang lên máy bay. Nếu cố tình mang theo, bạn có thể bị giữ lại kiểm tra kỹ lưỡng, mất thời gian và dễ trễ chuyến.
Chất lỏng và mỹ phẩm vượt quá giới hạn
Một quy định quan trọng mà nhiều bạn lần đầu đi máy bay thường quên là: chất lỏng trong hành lý xách tay phải được chia nhỏ, mỗi chai không vượt quá 100ml và tổng dung tích không quá 1 lít. Điều này áp dụng với cả nước uống, sữa rửa mặt, dầu gội, kem dưỡng, nước hoa…
Các chai lớn hơn 100ml – kể cả còn ít – đều bị loại bỏ ngay tại cửa kiểm tra an ninh nếu bạn mang theo trong balo xách tay. Tốt nhất, bạn nên dùng bộ chiết mỹ phẩm hoặc mua các gói dùng thử để vừa tiết kiệm chỗ, vừa tuân thủ quy định.
Thực phẩm có nguồn gốc động vật và đồ tươi sống
Đây là nhóm đồ dễ khiến bạn gặp rắc rối nhất khi nhập cảnh vào Đức. Hầu hết các loại thực phẩm tươi sống, thịt cá, trứng, sữa, và sản phẩm từ sữa đều bị cấm mang từ ngoài EU vào. Nếu bạn cố tình mang theo, rất có thể sẽ bị tịch thu ngay tại sân bay, và trong một số trường hợp còn bị phạt tiền.
Ngay cả thực phẩm khô như ruốc, mực một nắng, lạp xưởng, nem chua… cũng nên hạn chế tối đa. Một số mặt hàng có mùi hoặc bao bì không rõ nguồn gốc rất dễ bị đưa vào diện kiểm tra. Thay vào đó, bạn nên ưu tiên mang mì gói, cháo ăn liền, bún khô hoặc gia vị khô dạng gói – vừa nhẹ, vừa an toàn.
Thuốc men không rõ nguồn gốc hoặc bị cấm
Nhiều bạn có thói quen mang theo “cả tủ thuốc” vì lo ngại không quen thời tiết. Nhưng bạn cần biết rằng châu Âu có danh mục thuốc cấm rất rõ ràng. Những loại thuốc có chứa chất gây nghiện nhẹ, hormone tăng cơ (như Clenbuterol, Testosterone…), thuốc ngủ mạnh hay kháng sinh đặc biệt đều không được phép mang sang nếu không có đơn kê của bác sĩ, đặc biệt là bằng tiếng Anh hoặc tiếng Đức.
Quy tắc an toàn là: chỉ mang thuốc đủ dùng trong 2–3 tháng, đi kèm hướng dẫn sử dụng, đơn thuốc nếu có và luôn để trong bao bì gốc. Tuyệt đối không chia thuốc vào lọ không nhãn mác – vì nếu bị kiểm tra, bạn sẽ rất khó giải thích.
Tiền mặt vượt quá quy định
Đây là điều ít bạn để ý nhưng lại có thể gây rắc rối lớn. Đức quy định bất kỳ ai mang theo từ 10.000 Euro tiền mặt trở lên (hoặc tương đương bằng các loại tài sản khác) đều phải khai báo bằng văn bản với cơ quan hải quan. Nếu bạn không khai báo mà bị phát hiện, có thể bị phạt hoặc tịch thu một phần tiền.
Để an toàn, bạn chỉ nên mang theo dưới 10.000 Euro tiền mặt (tốt nhất là khoảng 2.000–5.000 Euro để chi tiêu ban đầu), phần còn lại nên chuyển khoản qua tài khoản phong tỏa hoặc thẻ quốc tế.
Những lưu ý quan trọng khi chuẩn bị hành lý du học Đức
Dù đã có danh sách đầy đủ những món cần mang theo, nhưng trong quá trình chuẩn bị hành lý du học, bạn vẫn cần ghi nhớ một vài lưu ý quan trọng để tránh những sai sót đáng tiếc. Những điểm nhỏ này có thể giúp bạn tránh bị phạt, tiết kiệm chi phí khi bay đến Đức.
Ưu tiên “cần trước – dùng ngay”
Khi xếp hành lý, hãy chia thành hai nhóm rõ ràng: nhóm đồ cần dùng ngay khi vừa sang (ưu tiên để vào hành lý xách tay hoặc để ngay phía ngoài vali), và nhóm đồ có thể dùng sau. Ví dụ: giấy tờ quan trọng, thuốc cơ bản, tiền mặt, SIM điện thoại, bộ sạc, áo khoác mỏng – nên để ở nơi dễ lấy.
Nhiều bạn sang đến nơi mới loay hoay cả buổi chỉ vì không biết để đồ ở đâu. Hãy hình dung: bạn sẽ xuống sân bay, chờ lấy hành lý, di chuyển về chỗ ở – và trong suốt quãng đường đó, bạn sẽ cần vài món thiết yếu để không rơi vào cảnh “mò đồ giữa trời tuyết”.
Đóng gói gọn gàng – hạn chế cồng kềnh
Một vali hành lý gọn nhẹ, có sắp xếp logic sẽ giúp bạn tiết kiệm không gian, không bị quá cân và dễ dàng tìm đồ khi cần. Thay vì cố nhét thật nhiều quần áo hay đồ ăn, hãy dùng túi hút chân không, túi zip hoặc túi chia nhóm để sắp xếp theo loại (ví dụ: quần áo mùa hè – mùa đông, thuốc – đồ dùng cá nhân, thực phẩm khô…).
Ngoài ra, kiểm tra kỹ quy định hành lý của hãng bay bạn lựa chọn: có bao nhiêu kg hành lý ký gửi? Được mang mấy kiện? Xách tay tối đa bao nhiêu kg?… Việc này giúp bạn chủ động chia đều và tránh cảnh ra sân bay mới hì hục sang bớt đồ từ vali sang balo.
Kiểm tra thời tiết và vùng bạn sẽ đến
Đức có sự khác biệt rõ rệt về thời tiết giữa các bang, thậm chí giữa các thành phố. Bạn nên tra cứu trước khu vực mình sẽ sinh sống để chuẩn bị quần áo phù hợp. Ví dụ, nếu bạn sang vào tháng 1 và học ở miền Nam nước Đức như Bayern – nơi mùa đông có tuyết rơi dày, thì việc mang áo khoác ấm, đồ giữ nhiệt, giày đi tuyết là rất cần thiết.
Ngược lại, nếu bạn học ở các vùng ít lạnh như Berlin vào mùa hè, thì hãy ưu tiên đồ mỏng, thoáng và chỉ mang một chiếc áo khoác nhẹ là đủ. Việc chuẩn bị đúng với thời tiết không chỉ giúp bạn đỡ tốn tiền mua thêm đồ ở Đức mà còn bảo vệ sức khỏe tốt hơn trong thời gian đầu.
Mang đúng – mang đủ – mang thông minh
Chuẩn bị hành lý du học không phải là vali thật to với hàng trăm món, mà là những món bạn thực sự cần – có thể dùng ngay – không dễ tìm mua tại Đức – và không vi phạm quy định hải quan. Đừng cố mang cả bếp gas, nồi chảo, hay mấy chục gói ruốc vì vừa tốn chỗ vừa dễ bị giữ lại kiểm tra.
Thay vào đó, bạn nên đầu tư vào các món hữu ích như sạc điện thoại đa đầu, adapter chuyển đổi ổ cắm, ổ cắm kéo dài, SIM quốc tế kích hoạt sẵn, một bộ nồi cơm mini nếu bạn thực sự cần. Việc lựa chọn kỹ sẽ giúp bạn giảm được gánh nặng hành lý, đồng thời dễ xoay xở hơn nếu có sự cố trong lúc di chuyển.
Giữ tinh thần thoải mái, đừng hoảng nếu thiếu đồ
Cuối cùng, hãy nhớ rằng dù bạn có chuẩn bị kỹ đến đâu thì vẫn có thể quên một vài món nhỏ – và điều đó hoàn toàn bình thường. Đức là một quốc gia phát triển, có hệ thống siêu thị, chợ châu Á, cửa hàng tiện lợi đầy đủ. Bạn hoàn toàn có thể mua bổ sung sau khi sang đến nơi.
Quan trọng là bạn giữ tinh thần tích cực, có thái độ linh hoạt và biết cách ứng phó trong mọi tình huống. Nếu cần giúp đỡ, đừng ngại nhờ bạn bè, người quen hay thầy cô – cộng đồng du học sinh Việt tại Đức luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn vượt qua những ngày đầu bỡ ngỡ.
Tổng kết
Chuẩn bị hành lý du học Đức không chỉ là chuyện sắp xếp quần áo, giấy tờ hay đồ dùng cá nhân mà còn là bước khởi đầu cho một hành trình dài, nơi bạn sắp sống, học tập và trưởng thành ở một đất nước hoàn toàn mới. Mỗi món đồ bạn chọn mang theo đều cần xuất phát từ sự cân nhắc kỹ lưỡng: liệu mình có thực sự cần nó? Nó có giúp mình thoải mái và chủ động hơn trong những ngày đầu không?
Từ giấy tờ quan trọng đến những vật dụng nhỏ như dầu gió, ổ cắm điện, ruốc khô hay ảnh thẻ – tất cả đều góp phần giúp bạn thích nghi nhanh hơn với cuộc sống mới. Điều quan trọng là bạn cần biết ưu tiên điều gì cần trước – điều gì có thể bổ sung sau, tránh mang quá nhiều nhưng thiếu những thứ thiết yếu.
Nếu có điều gì đó bạn quên, cũng đừng quá lo. Ở Đức, bạn luôn có thể tìm thấy giải pháp, nhất là khi bạn chủ động, bình tĩnh và linh hoạt trong cách xử lý. Và hơn cả hành lý vật chất, thứ bạn cần mang theo nhiều nhất – chính là tinh thần sẵn sàng, tâm thế cầu tiến và một chút háo hức cho hành trình thay đổi cuộc đời sắp tới.
Hy vọng rằng qua bài viết sẽ giúp bạn chuẩn bị hành lý du học Đức chỉn chu nhất. Chúc bạn lên đường thuận lợi, nhập học suôn sẻ và bắt đầu một hành trình tuyệt vời trên đất Đức!