Bạn sắp tham gia phỏng vấn du học nghề Đức nhưng vẫn chưa biết cách làm thế nào để tạo ấn tượng tốt khi phỏng vấn với doanh nghiệp Đức? Đừng lo lắng! Trong bài viết dưới đây, GCA – Hanoi IEC sẽ bật mí với bạn 8 cách gây ấn tượng trong buổi phỏng vấn du học nghề Đức, ghi điểm tuyệt đối với nhà tuyển dụng.
Tìm hiểu kỹ về đơn vị tuyển dụng trước buổi phỏng vấn
Muốn gây ấn tượng tốt trong buổi phỏng vấn du học nghề Đức, trước hết bạn phải hiểu rõ về doanh nghiệp sẽ phỏng vấn bạn. Điều này giúp bạn trả lời thuyết phục và cho thấy bạn thực sự nghiêm túc. Đừng đợi đến khi bị hỏi mới lục tìm thông tin. Trước buổi phỏng vấn, bạn nên:
- Truy cập website chính thức của đơn vị để tìm hiểu lĩnh vực hoạt động, triết lý đào tạo, chương trình học, các hoạt động ngoại khóa và quy mô tổ chức.
- Tìm hiểu chương trình đào tạo, các cơ sở vật chất, vị trí địa lý, cơ hội nghề nghiệp sau khi hoàn thành chương trình học.
- Tìm trên Google các bài viết liên quan, review của học viên cũ (nếu có), hoặc hỏi người quen từng học/trải nghiệm trong hệ thống đó.
Sau khi tìm hiểu, hãy ghi chú và chuẩn bị sẵn một vài ý để có thể chủ động đưa vào câu trả lời. Bạn cần phân tích cho người phỏng vấn hiểu được doanh nghiệp của họ sẽ tốt cho tương lai của bạn như thế nào và chứng minh cho họ thấy được bạn sẽ có thể phát triển tốt ở đó.
Ví dụ khi bạn phỏng vấn khách sạn 5 sao thì bạn có thể tìm hiểu các thông tin như:
- Khách sạn có bao nhiêu phòng? Có bao nhiêu nhân viên? Giờ làm việc
- Tìm hiểu khách hàng đã hoạt động bao lâu?
- Nhà hàng có mấy nhà hàng? Có bar không? Có phòng tổ chức sự kiện không?
Khi người phỏng vấn hỏi tại sao lại thích khách sạn này? Bạn có thể tham khảo cách trả lời theo hướng như sau: Em rất thích khách sạn (Tên khách sạn) vì đây là một trong những khách sạn 5 sao lớn nhất ở Frankfurt với hơn 25 năm kinh nghiệm. Em thấy khách sạn có cơ sở vật chất hiện đại như bể bơi ngoài trời, khu vườn rộng, và nhiều khu vực thực hành như nhà hàng Á – Âu, phòng tổ chức sự kiện. Em tin rằng môi trường ở đây sẽ giúp em học hỏi được kỹ năng phục vụ đa dạng và phát triển nhanh hơn trong ngành khách sạn – nhà hàng.
Lưu ý: Hãy đảm bảo thông tin bạn tìm hiểu là chính xác. Không phóng đại hay phô trương về thông tin của doanh nghiệp.
Ăn mặc chỉn chu, lịch sự theo phong cách chuyên nghiệp
Trang phục là một trong những yếu tố tạo thiện cảm ngay từ những giây đầu tiên khi phỏng vấn du học nghề Đức. Trong môi trường làm việc Đức, sự chỉn chu không phải là yêu cầu hình thức mà là thể hiện sự tôn trọng, kỷ luật và thái độ nghiêm túc. Vì vậy, bạn cũng cần ăn mặc chuyên nghiệp như đang tham gia một cuộc phỏng vấn trực tiếp.
- Nam giới: Ưu tiên áo sơ mi sáng màu, quần âu tối màu, tóc cắt gọn, không để râu rậm. Tránh mặc áo thun, áo không cổ, quần short.
- Nữ giới: Nên chọn áo sơ mi có cổ, lịch sự, không xuyên thấu, kết hợp với quần vải hoặc váy dài qua gối. Tóc buộc gọn, không để xõa che mặt. Có thể trang điểm nhẹ để tạo cảm giác tươi tắn.
Canh góc máy hợp lý, giữ ánh mắt và thái độ tích cực
Trong phỏng vấn online, góc quay và ánh mắt là yếu tố cực kỳ quan trọng. Nếu bạn chọn được một góc quay hợp lý, giữ được ánh nhìn và biểu cảm tự nhiên, bạn đã ghi điểm rất lớn trong mắt nhà tuyển dụng.
- Đặt thiết bị: Hãy đặt laptop hoặc điện thoại sao cho camera ngang tầm mắt, không quá cao khiến bạn phải ngẩng lên, cũng không quá thấp khiến bạn cúi xuống. Nếu cần, bạn có thể kê thêm sách hoặc hộp để điều chỉnh độ cao.
- Khung hình: Lý tưởng nhất là camera thấy được toàn bộ phần đầu và vai của bạn. Tránh để máy quá gần khiến mặt bị “phóng to” gây áp lực, hoặc quá xa làm bạn mờ nhạt và thiếu tương tác.
- Ánh mắt và biểu cảm: Nhìn trực tiếp vào ống kính khi nói để tạo cảm giác bạn đang giao tiếp trực diện. Khi lắng nghe, hãy gật đầu nhẹ, giữ ánh mắt chăm chú và mỉm cười nhẹ để thể hiện sự tập trung và thân thiện.
- Tư thế và cử chỉ: Ngồi thẳng lưng, tay để trên bàn hoặc trong khung hình. Tránh chống cằm, ngáp, bẻ tay, hay nhìn ra ngoài cửa sổ.
Hãy thử ghi hình trước buổi phỏng vấn du học nghề Đức và xem lại để điều chỉnh. Điều này có thể tạo nên sự khác biệt lớn về hình ảnh chuyên nghiệp của bạn.
Chuẩn bị không gian yên tĩnh, ánh sáng rõ và gọn gàng
Không gian phản ánh sự chỉn chu, ngăn nắp và khả năng tổ chức của bạn. Một phông nền bừa bộn hay tiếng ồn từ bên ngoài có thể khiến bạn mất điểm ngay từ đầu. Bạn nên chuẩn bị một không gian phỏng vấn du học nghề Đức như sau:
- Không gian riêng tư: Ưu tiên một phòng riêng có thể khóa cửa, như phòng học hoặc phòng ngủ. Tránh chọn quán cà phê, nơi công cộng hay khu vực sinh hoạt chung dễ bị gián đoạn bởi tiếng ồn hoặc người khác đi lại.
- Phông nền phía sau: Nền lý tưởng là tường trơn, rèm cửa đơn giản hoặc kệ sách ngăn nắp. Tuyệt đối tránh phông nền quá rối mắt, giường ngủ chưa gấp, đồ đạc bừa bộn hay các vật dụng gây mất tập trung.
- Ánh sáng: Sử dụng ánh sáng tự nhiên nếu có thể – đặt bàn gần cửa sổ và để ánh sáng chiếu từ phía trước. Nếu dùng đèn, hãy chọn đèn trắng chiếu vào mặt bạn từ phía trước hoặc chếch 45 độ để làm nổi bật gương mặt.
- Âm thanh: Đóng các ứng dụng không cần thiết như Zalo, Facebook, tắt thông báo máy tính, tắt tiếng chuông điện thoại. Có thể sử dụng tai nghe có mic để đảm bảo âm thanh rõ và không bị vọng.
Hãy kiểm tra không gian, ánh sáng và âm thanh ít nhất một ngày trước buổi phỏng vấn. Có thể nhờ bạn bè test qua Zoom hoặc Google Meet để đảm bảo mọi thứ đều rõ ràng và chỉn chu.
Trả lời tự tin, chủ động dẫn dắt câu chuyện cá nhân
Nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao những học viên có câu trả lời ấn tượng. Thay vì chỉ dừng lại ở “Dạ có” hay “Dạ đúng”, bạn hãy chủ động mở rộng nội dung, dẫn dắt người phỏng vấn theo câu chuyện của bạn.
- Đảm bảo trả lời mạch lạc, súc tích nhưng giàu nội dung.
- Khi nói về lý do chọn ngành, đừng nói chung chung như “Em thích giúp đỡ người khác” – hãy kể một câu chuyện ngắn: “Bà ngoại em từng nằm viện dài ngày, em là người chăm sóc. Từ đó em cảm thấy công việc điều dưỡng rất gần gũi và quan trọng.”
- Khi trả lời về kỹ năng làm việc nhóm, thay vì nói: “Em có từng làm nhóm”, hãy nói: “Khi làm bài thuyết trình môn xã hội học, em đảm nhận việc thu thập tài liệu và thiết kế nội dung trình chiếu. Lúc đầu nhóm có mâu thuẫn về cách tiếp cận, nhưng em đề xuất chia phần việc rõ ràng và thảo luận mở hơn – từ đó nhóm phối hợp tốt hơn.”
Đặt câu hỏi ngược để thể hiện sự chủ động & quan tâm
Trong buổi phỏng vấn, doanh nghiệp sẽ cho phép bạn đặt câu hỏi dành cho họ. Vì vậy, đừng bỏ qua cơ hội này để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng khi phỏng vấn du học nghề Đức. Bạn hãy chuẩn bị những câu hỏi thể hiện sự chủ động, quan tâm và mong muốn được học tập & làm việc tại doanh nghiệp.
Bạn có thể đặt một số câu hỏi liên quan đến các chủ đề như:
- Thời gian làm việc, môi trường học tập
- Đội ngũ nhân viên, văn hóa doanh nghiệp
- Yêu cầu của doanh nghiệp cho vị trí ứng tuyển
- Các phòng ban, nhân sự sẽ làm việc cùng
Riêng với các câu hỏi về lương, bạn không nên đề cập đến vì mức lương du học nghề Đức thường là mức cố định chung và được đảm bảo theo quy định của chính phủ Đức. Vì vậy, bạn không phải quá lo lắng về chính sách hỗ trợ lương học nghề trong quá trình du học nghề Đức.
Ứng xử thông minh khi gặp câu hỏi khó hoặc chưa rõ
Không phải lúc nào bạn cũng có thể trả lời hoàn hảo mọi câu hỏi trong buổi phỏng vấn du học nghề Đức. Trong những tình huống đó, bạn hãy thật bình tĩnh và đưa ra cách xử lý tình huống khéo léo. Dưới đây là một số tình huống thường gặp:
- Nếu không nghe rõ câu hỏi: Lịch sự yêu cầu người phỏng vấn nhắc lại: “Em xin lỗi, em chưa nghe rõ câu hỏi vừa rồi, anh/chị có thể nhắc lại giúp em được không ạ?”
- Nếu câu hỏi quá khó: Thay vì im lặng hoặc trả lời gượng ép, bạn có thể nói: “Em xin phép được suy nghĩ thêm và sẽ gửi câu trả lời chi tiết qua email sau buổi phỏng vấn nếu được ạ.”
- Nếu không chắc chắn về câu trả lời: Tốt nhất là không trả lời hơn là nói sai. Bạn có thể thẳng thắn và xin phép trả lời sau.
Kết thúc bằng lời cảm ơn và thể hiện tinh thần cầu thị
Cuối cùng, bạn hãy gửi lời cảm ơn đến doanh nghiệp sau khi kết thúc buổi phỏng vấn. Lời cảm ơn này không chỉ dừng lại ở câu “Em cảm ơn anh/ chị” mà bạn phải cho doanh nghiệp thấy thấy bạn thực sự trân trọng cơ hội và mong muốn được học hỏi.
- Trước khi kết thúc: Hãy nói cảm ơn và thể hiện rõ tinh thần cầu thị của mình. Ví dụ: “Em chân thành cảm ơn quý công ty đã dành thời gian phỏng vấn và lắng nghe chia sẻ của em. Em rất mong có cơ hội được học tập và làm việc trong môi trường chuyên nghiệp tại (Tên công ty).”
- Sau buổi phỏng vấn: Gửi một email cảm ơn ngắn gọn trong vòng 24 giờ. Nội dung nên thể hiện sự trân trọng và nhắc lại mong muốn gắn bó.
Trên đây là toàn bộ những kinh nghiệm và mẹo quan trọng giúp bạn tạo ấn tượng tốt trong buổi phỏng vấn du học nghề Đức. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn tự tin hơn, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn và chinh phục được cơ hội du học nghề tại Đức. Chúc bạn thành công!